Chùa Phổ Minh (hay còn gọi là chùa Tháp) tọa lạc tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý, và được triều Trần mở rộng vào năm 1262. Dù đã trải qua hàng trăm năm, đã nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ, quy mô bề thế với lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc”.
Cổng Tam Quan chùa có 3 lối vào, tường xây gạch, mái lợp ngói cổ, được thiết kế kiểu “hai tầng, bốn mái”.
Phía trong 2 bên cổng có 2 hồ sen tròn hai bên, chính giữa là con đường gạch vào chùa.
Chùa Phổ Minh thờ Phật giống như các ngôi chùa khác; nhưng hơn hết, nơi đây là nơi thờ phụng và có mối liên hệ mật thiết tới Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, đưa chùa Phổ Minh trở thành một trung tâm tôn giáo lớn của quốc gia Đại Việt.
Bởi vậy, trong chùa đang thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra dưới triều Trần. Trong đó, chính giữa là tượng Vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn (tư thế nằm nghiêng), cả bức tượng được đặt trong 1 khám thờ khối hình chữ nhật.
Ngoài ra, ở Điện thờ có pho tượng bà chúa Mạc – tức công chúa Mạc Ngọc Lâm, người đã có công tu sửa chùa Phổ Minh dưới thời nhà Mạc. Khi bà mất, nhân dân ghi nhớ công đức, đã tạc tượng bà bằng đá. Phần mộ của bà cũng được nhân dân đặt tại khuôn viên của chùa Phổ Minh.
Điểm nổi bật gây sự chú ý nhất trong khuôn viên sân chùa chính là tháp Phổ Minh. Tháp Phổ Minh là một công trình kiến trúc độc đáo. Đây là ngôi tháp lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam.
Hiện nay trong cả nước chỉ còn ba cây tháp được xây từ thời Trần đó là tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Huệ Quang (Yên Tử, Quảng Ninh) và tháp Bỉnh Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), song Tháp Phổ Minh vẫn là ngọn tháp bề thế hơn, xây dựng công phu, mỹ thuật, kỹ thuật hơn cả. Tháp xây dựng ngay trước khu nhà bái đường cao 19,5m gồm 1 kiệu bát cống và 13 tầng.
Kiệu bát cống là phần đế của tháp được thiết kế hoàn toàn bằng đá xanh mỗi cạnh dài 5,2m, được trạm khắc hình những cánh sen cách điệu.
Phía trên kiệu bát cống là 13 tầng tháp được xây bằng gạch đỏ trổ 4 cửa đông tây nam bắc. Tầng 11, 12 của cây tháp có một quách bằng đá vây quanh một hộp đồng mà theo nhân dân truyền tụng thì đây có thể là hộp đựng xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tháp Phổ Minh đã tồn tại qua hơn 7 thế kỷ, mặc dù trải qua nhiều sóng gió, thiên tai giặc giã nhưng cây tháp vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn trở thành một kỳ quan quý hiếm làm nên nét độc đáo không chỉ riêng của Nam Định mà còn là của cả nước Việt Nam.
Trong sân chùa, ngoài ngôi tháp cổ còn có 2 tẩm bia đá cổ ở hai bên, tấm bia bên phải đề dòng chữ “Phổ Minh Thiền Tự” khắc năm Mậu Thân 1668, tấm bia bên trái có dòng chữ “Phổ Minh Bảo Tháp Từ Bi” khắc năm Bính Thìn 1916.
Nằm giữa vùng chiêm trũng với mái chùa cổ kính, cây cổ thụ sum suê, nhiều thế kỷ đã trôi qua nhưng tháp Phổ Minh vẫn đứng vững, tạo nên phong cảnh vừa uy nghi vừa thoát tục. Chùa tháp Phổ Minh cùng với đền Thiên Trường (thờ các vua Trần) và đền Cố Trạch (thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) đã tạo thành một khu di tích không những có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn.
Nếu có dịp về Nam Định, mời quý vị và các bạn hãy ghé thăm ngôi chùa cổ này, để tận mắt ngắm nhìn công trình kiến trúc cổ tuyệt đẹp, và để tìm hiểu thêm về lịch sử nhà trần.